Thế giới mùi hương luôn là một thứ gì đó vừa bí ẩn, vừa quyến rũ; nếu ta xem mùi hương là một nghệ thuật, thì chắc chắn người tạo ra chúng phải là một nghệ sĩ. Tại Việt Nam, ngoài nước hoa, những năm qua dần thịnh hành thú “chơi hương” từ nến thơm và tinh dầu. Thương hiệu dẫu có nhiều, nhưng người có chuyên môn sâu để tạo ra mùi hương thì lại hiếm. May mắn thay chúng tôi có cơ duyên biết đến chị Rei Nguyễn – Nghệ sĩ mùi hương từng ghi dấu ấn là người Việt đầu tiên tổ chức Triển lãm mùi hương tại Nhật vào năm 2019.
Khác với các chuyên ngành như kinh tế, xã hội… phần nhiều dựa vào sự nỗ lực, chăm chỉ học hỏi, thì chuyên ngành nghệ thuật lại có tính đặc thù hơn vì năng khiếu sẽ góp một phần quyết định đến đường dài để theo đuổi niềm đam mê và thành công. Và có những cá nhân được “nghề chọn người” theo một cách rẽ hướng ít ai ngờ đến.
Tôi biết đến NOTE – thương hiệu nến thơm và nước hoa trước khi biết Rei Nguyễn, người sáng lập thương hiệu này. Cảm nhận đầu tiên khi nhìn thấy hình của chị Rei, tôi tự nhủ rằng người phụ nữ này đúng là dành cho hương thơm, và khi được gặp mặt trực tiếp càng xác nhận suy nghĩ ban đầu của tôi là đúng. Ở chị toát lên vẻ nhẹ nhàng, từ tốn của người làm nghệ thuật. Nhưng càng bất ngờ hơn, chuyên ngành ban đầu Rei theo học lại là Ngân hàng.
Gặp Rei vào buổi sáng đầu tuần tại NOTE, chúng tôi đã có một buổi trò chuyện mở ra một thế giới ngập tràn mùi hương của Rei Nguyễn.
Chào Rei Nguyễn, công việc của chị nói chung và những người theo lĩnh vực này cụ thể là làm những gì?
Xin chào độc giả của Kilala, để dễ hình dung hơn thì mọi người có thể hiểu rằng lĩnh vực mùi hương cũng tương tự như những ngành nghệ thuật khác: người họa sĩ thì vẽ tranh; nhạc sĩ thì chơi nhạc cụ để sáng tác nhạc; ca sĩ thì hát; còn đối với nghệ sĩ mùi hương, khi có cảm xúc, triết lý đúc kết, họ sẽ dùng mùi hương để truyền tải đi thông điệp của mình.
Có vẻ những người làm nghề như chị thì bẩm sinh đã sở hữu khứu giác cực kì tốt, vậy điều này mang đến cho chị những lợi thế cũng như những “tai nạn” thú vị gì?
Mọi người hay nghĩ rằng những người làm mùi hương thì phải có khứu giác thật nhạy cảm hay là một thiên tài bẩm sinh mới làm được, nhưng theo Rei, tương tự như những lĩnh vực sáng tạo hay nghệ thuật, phần thiên bẩm chỉ chiếm 5 – 10%, 90% còn lại bạn phải tự đào tạo bản thân, tự trau dồi, học hỏi và xem đó là hành trình mỗi ngày.
Sự nhạy của khứu giác mang đến cho bản thân những gì, thì riêng đối với Rei, mình là người nhìn cuộc đời qua lăng kính mùi hương nên đôi khi những điều gây cho mình cảm xúc yêu, ghét, vui, buồn cũng thông qua mùi hương. Gây ấn tượng với mình là mùi hương và ngược lại cũng là mùi hương.
Làm về mùi hương là một nghề còn khá xa lạ ở Việt Nam vào thời điểm chị quyết định theo đuổi, vậy điều gì khiến chị lại đi theo con đường còn khá mơ hồ lúc ấy?
Mỗi người sẽ có một lý do, một câu chuyện khiến họ theo đuổi một điều gì đó, đặc biệt là liên quan đến cột mốc trong cuộc đời, và Rei cũng như vậy. Có lẽ con đường Rei đi lúc đầu có vẻ mơ hồ đối với người khác nhưng lại không như vậy với Rei.
Dù bắt đầu với mùi hương ở con số 0 và chưa có gì thành hình, nhưng mình đã biết được rằng 5 năm nữa, 10 năm nữa, 20 năm nữa mình sẽ ở đâu và làm được những gì. Đó là điều thuyết phục nhất để Rei có thể bắt đầu con đường của mình.
Nghĩ về hương thơm, trong đầu nhiều người sẽ hiện lên Pháp, Ý – những chốn hoa lệ và xa xỉ của các thương hiệu hàng đầu, vậy tại sao chị lại chọn Nhật Bản?
Rei lựa chọn Nhật Bản không từ một lý do gì quá cao siêu, mà hoàn toàn vì cá nhân mình thích như vậy. Rei lớn lên với manga và anime Nhật Bản, ngay từ nhỏ mình đã biết nguệch ngoạc vẽ những bức tranh về Doraemon, Conan, Dragon Ball…
Đến khi trưởng thành, Nhật Bản với Rei lại là một đất nước tràn đầy hương thơm, nơi đây ẩn chứa nét độc đáo về mùi hương mà ít người để ý đến. Mình nghĩ rằng mỗi người sẽ có một lựa chọn khác nhau và Rei lựa chọn đi theo cảm xúc của cá nhân mình.
Ngôn ngữ có trở thành rào cản của chị?
Chắc chắn là có. Nếu bạn biết về văn hóa Nhật hay có cơ duyên ghé thăm đất nước này thì sẽ nhận ra rằng, dù cho người Nhật họ biết nói tiếng Anh, thậm chí rất giỏi, nhưng họ sẽ có khuynh hướng sử dụng tiếng Nhật và đó là điều mình tôn trọng. Ngay cả ở Việt Nam, mình cũng cảm thấy yêu mến và nể trọng những người có thể giao tiếp bằng tiếng bản ngữ của mình.
Nhưng điều quan trọng nhất đó là mùi hương sẽ đi kèm với văn hóa, mà việc hiểu văn hóa sẽ trở thành con số 0 nếu như nó không đi kèm với ngôn ngữ. Đó là lý do Rei phải học tiếng Nhật trước khi đến Nhật, và khi sang đó mình vẫn tiếp tục học tiếng cũng như cố gắng tham khảo tất cả những tài liệu, tiếp xúc với người Nhật để cảm nhận trọn vẹn tinh thần, văn hóa xứ Phù Tang.
Văn hóa Nhật đã giúp chị định hình mùi hương như thế nào?
Nhật sở hữu rất nhiều nghệ thuật nổi tiếng và trong đó có nghệ thuật Hương đạo – Kodo (香道) , mặc dù thưởng hương bằng khứu giác nhưng thay vì sử dụng cách nói “香を嗅ぐ” (ka wo kagu), người Nhật lại nói “香を聞く” (ka wo kiku), nôm na có nghĩa là “nghe hương”. Đây một nghi thức mà tất cả những người thực hiện phải tạm “đóng” một số giác quan để tập trung lắng nghe tiếng của miếng gỗ cháy và nhắm mắt để cảm nhận làn hương thông qua khứu giác của mình.
Có lẽ, cái nhìn của Rei cũng ảnh hưởng nhiều bởi nền văn hóa Nhật Bản, một trong số đó là khái niệm “Meiwaku – 迷惑” (văn hóa ngại làm phiền người khác), và mùi hương của người Nhật cũng như vậy, không nồng nàn mà là sự ý nhị, kín kẽ.
Đối với mình, một mùi hương không nhất thiết phải phô ra ngoài để cuốn hút hay lôi cuốn người khác mà mùi hương đơn thuần khi mình “mặc” lên người hay dùng trong không gian là để bản thân cảm thấy dễ chịu, tự tin và thấy hòa hợp với thời điểm lúc ấy. Đó cũng là cách để mình có thể nhìn vào bên trong, lắng nghe mùi hương và hòa mình với nó.
Vậy những mùi hương nào khiến chị nghĩ đến Nhật Bản?
Mùi hương Nhật Bản khó đóng chai lắm! Mùi hương hiện diện ở những con đường bạn đi, mùi hương trên tóc của những người bạn thân, mùi của kỷ niệm… Nhưng đặc biệt với Rei đó sẽ là mùi Musk (xạ hương) vì hầu hết những cô bạn người Nhật của Rei đều có mùi Musk rất nhẹ nhàng mà Rei ngửi được khi đi chơi cùng các bạn.
Hay một mùi hương nữa mà Rei rất yêu đó là hoa mộc tê – Kinmokusei. Vào mùa thu, khi còn đi học ở Tokyo, mình thường đi trên những con phố hai bên đường hoa mộc tê nở rất nhiều. Bông hoa tuy bé nhỏ nhưng lại mang mùi hương rất dày của đào, của da thuộc… ở trong một nốt hương nhỏ bé. Và kí ức mùa thu đông, khi đi trên đường, mình được bao bọc bởi hương thơm của hoa mộc tê cũng là điều mà Rei nhớ hoài khi về Việt Nam.
Được biết chị rất thần tượng cô giáo người Nhật của mình, vậy chị đã học được điều gì ở cô?
Mỗi người thầy sẽ để lại một dấu ấn trong hành trình của mình. Đối với cô Satori Osawa, Rei chịu ảnh hưởng từ cô về quan điểm nghệ thuật, nhất là nghệ thuật khứu giác. Khác với những lĩnh vực hữu hình có thể nhìn bằng mắt như điêu khắc hay lắng nghe bằng tai như âm nhạc, khứu giác lại mang tính dè dặt và vô hình.
Vậy với một bộ môn nghệ thuật “khiêm tốn” như thế, mình phải làm thế nào? Thì mình khiêm tốn. Và mình nhìn nhận nghệ thuật như một chất keo để hàn gắn, kết nối con người với nhau. Nghệ thuật không phải bộ môn dành cho người giàu, giới thượng lưu hay thể hiện đẳng cấp mà nghệ thuật là chất liệu chúng ta sử dụng để khiến cuộc sống phong phú, khiến con người gần nhau hơn.
Mùi hương có nói lên được tính cách của một người không? Và mùi hương miêu tả Rei Nguyễn là gì?
Rei là một người rất thích Hoắc hương (Patchouli), loài cây mang hình dáng thân thảo nhỏ bé, nằm gần mặt đất nhưng lại mang mùi hương của gỗ, của đất sau mưa. Người ta nói Patchouli nam tính, tối tăm nhưng Rei lại thấy Patchouli giống mình, nhỏ bé nhưng nội lực. Đây là một trong những mùi hương và cả là nguyên liệu mà Rei cố gắng để chinh phục trong quá trình mình học, làm việc, sử dụng trong những mùi hương của mình.
Trung bình, mất bao lâu để chị tạo ra một mùi hương mới?
Vì tính chất công việc nên mình chia thành hai mảng: phát triển mùi hương cho khách hàng và phát triển mùi hương theo định hướng của bản thân.
Thông thường, những dự án mà Rei làm cho khách hàng sẽ không quá dài, đôi khi là 3 tháng, 6 tháng thôi. Nhưng những mùi hương mà Rei tự làm cho bản thân hay cho những dự án nghệ thuật mà mình muốn hướng tới thì sẽ dài hơi hơn.
Trong quá trình mình sáng tác, làm hương giống như những môn nghệ thuật khác, đôi khi mình không thể làm liên tục ngày này qua ngày khác là có thể xong. Đến một mức độ nào đó thì mình nhận ra bản thân phải tạm dừng lại, để mùi hương dang dở ở đó và làm qua một mùi hương khác.
Sau đó khoảng 1, 2 tháng hay đến khi thực sự sẵn sàng thì mình sẽ quay trở lại với mùi hương ban đầu, đánh giá lại định hướng của bản thân để đưa ra quyết định tiếp tục với nó hay bỏ hết để làm lại từ đầu. Có thể nói đây là quá trình cân, đo, đong, đếm mang nhiều cân nhắc đến từ chính cảm nhận của mình.
Việc sử dụng hương thơm điển hình như nến hay tinh dầu dạo gần đây dường như trở thành xu hướng tại Việt Nam, nhưng không quá nhiều người hiểu về cách dùng mùi cho phù hợp.
Chị có thể chia sẻ một chút về bí quyết chọn mùi hương cho không gian sống theo thời tiết hay mùa được không?
Rei rất vui vì lĩnh vực này đang dần được đón nhận ở Việt Nam. Càng nhiều người biết đến và tìm hiểu về hương thì hương sẽ tiếp tục được phát triển lên tầm cao hơn.
Ở bất cứ đâu, điều quan trọng nhất để lựa chọn mùi hương sẽ phụ thuộc nhiều vào không gian sống. Trước khi chọn một mùi hương, bạn nên đặt ra những câu hỏi: Bạn muốn sử dụng nó ở đâu trong căn nhà? Không gian to hay nhỏ? Trong nhà hay ngoài trời? Người ở cùng không gian đó với mình (người thân hay người lạ)? Công năng/ chức năng của không gian?… để có thể chọn mùi hương cho phù hợp.
Ví dụ, nếu bạn muốn chọn mùi hương cho không gian làm việc thì bạc hà là lựa chọn phù hợp vì giúp tập trung, nhớ lâu, kích thích trí não hoạt động. Nhưng với không gian tắm hay phòng ngủ thì oải hương sẽ thích hợp hơn cả vì nó giúp đưa cơ thể vào trạng thái thả lỏng, cân bằng.
Nói một chút về thương hiệu riêng của chị đi, “NOTE” dường như là những tầng hương, thường được dùng trong nước hoa, vậy NOTE của chị là Top Notes, Middle Notes, hay Base Notes?
Note hay nốt hương cũng giống như nốt nhạc vậy, đó là những thành phần nhỏ nhất để tạo nên một hợp hương, nhiều hợp hương thì tạo nên bản hương dài hơn và hình thành nên một mùi hương nước hoa hay nến hoàn thiện.
Khi bắt đầu NOTE, Rei chỉ nghĩ rất đơn giản, đây là nơi truyền tải nghệ thuật khứu giác thông qua sản phẩm của mình. Ngoài ra, Rei cùng các cộng sự cũng có những hoạt động bên lề như tổ chức workshop, tham gia những hội thảo, triển lãm để có thể kể cho mọi người nghe về mùi hương.
Đây không phải là việc làm một sớm một chiều mà là kiểu mưa dầm thấm lâu. NOTE đã tổ chức các sự kiện hàng tuần đều đặn đến nay đã là năm thứ 3 rồi, mỗi buổi không quá đông người, chỉ 10 – 15 bạn, nhưng người này lan tỏa đến cho người kia tạo nên sự cộng hưởng vô cùng lớn và tự nhiên. Đây là hoạt động mà Rei sẽ duy trì và Rei luôn tự hào rằng đội ngũ của mình đã có thế mang được điều này đến với mọi người.
Chị có thể kể một chút về Triển lãm mùi hương tại Nhật vào năm 2019?
Bộ sưu tập mà Rei ra mắt trong triển lãm ở Nhật là “Scent of Japan” – Những mùi hương của nước Nhật thông qua 4 mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Không giấu gì mọi người, lúc ấy Rei khá rụt rè vì mình là một người ngoại quốc, nên góc nhìn của mình đối với nước Nhật sẽ mang những lăng kính khác so với người Nhật nhìn về đất nước của họ, và lo lắng không biết góc nhìn của mình sẽ được đón nhận như thế nào.
May mắn Rei nhận được sự hỗ trợ của thầy cô, bạn bè, các anh chị trong quá trình mình học và làm ở Nhật. Qua triển lãm, mình có cơ hội giới thiệu, chia sẻ với mọi người góc nhìn của mình thông qua mùi hương và đón nhận được nhiều góp ý để hoàn thiện mùi hương tốt hơn.
Không gian của triển lãm là khu trưng bày gốm, một không gian rất truyền thống, rất Nhật và khi mang mùi hương của mình vào thì mình cảm thấy như nó thuộc về nhau. Từ lúc tìm địa điểm đến lúc thực hiện dự án, mọi thứ trôi chảy đến bất ngờ, nên Rei nghĩ đây có thể là một món quà mà nước Nhật dành tặng cho mình.
Theo Kilala.vn