Nến trong nhiều thế kỷ đã là một vật rất quen thuộc trong đời sống của con người, những ngọn nến đầu tiên được làm từ các vật liệu tự nhiên như tallow (mỡ động vật) hoặc sáp ong. Ban đầu, nến không chỉ được dùng để thắp sáng mà còn có vai trò quan trọng trong các nghi lễ tôn giáo. Ngày nay, khi nến thơm ra đời, không chỉ mang giá trị thẩm mỹ mà còn có tác dụng chữa bệnh. Hương thơm từ nến thơm được biết đến với khả năng làm dịu, giảm căng thẳng và lo lắng. Một số loại hương tạo ra cảm giác thư giãn, dễ chịu, có thể nâng cao tâm trạng, tiếp thêm năng lượng và làm sạch không khí.
Từ khi nến thơm ra đời, việc làm thơm không gian sống trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Trước đây, đèn dầu và nhang thường được sử dụng để tạo hương thơm cho ngôi nhà. Tuy nhiên, khi xuất hiện, nến thơm đã mang đến một cách thức tiện lợi và dễ chịu để làm thơm không gian sống, giúp căn nhà trở nên ấm cúng và sang trọng hơn.
Khứu giác của chúng ta có mối liên hệ trực tiếp với não bộ, vì vậy mà mùi hương có thể ảnh hưởng trực tiếp đến cảm xúc và cũng được lưu trữ vào chuỗi ký ức. Trong cuốn sách “How to Build Powerful Brands Through Touch, Taste, Smell, Sight and Sound” của Martin Lindstrom có nói rằng:
“75% cảm xúc mỗi ngày của chúng ta đều bị ảnh hưởng từ mùi hương. Bên cạnh thị giác, khứu giác là một trong những giác quan quan trọng nhất mà chúng ta sở hữu.”
Vì thế, hương thơm luôn là giải pháp giúp chúng ta xua tan căng thẳng và mệt mỏi sau một ngày dài. Bài viết hôm nay sẽ cho bạn biết về một số lợi ích tuyệt vời của việc sử dụng nến thơm mà có lẽ bạn chưa biết.
Giảm căng thẳng

Theo nghiên cứu của công ty tiếp thị mùi hương ScentAir, môi trường có hương thơm giúp nâng cao tâm trạng con người lên 40% và 75%. Mối liên hệ trực tiếp giữa hệ thống khứu giác và hệ thần kinh dẫn đến việc con người liên kết chặt chẽ mùi hương với trí nhớ và cảm xúc. Khi chúng ta ngửi thấy mùi thơm dễ chịu, nó sẽ tác động đến hormone hạnh phúc và giảm lo lắng. Khi mùi hương đi vào mũi và qua khứu giác, thông tin về mùi được gửi đến hạch hạnh nhân và vùng hải mã. Khứu giác là giác quan duy nhất được xử lý ở các vùng não này, do đó, nó có mối liên kết chặt chẽ nhất với các vùng não liên quan đến cảm xúc và trí nhớ. Chính vì thế, mùi hương có thể tác động mạnh mẽ lên tâm trạng và cảm xúc của chúng ta. Khi ngửi một mùi hương dễ chịu, não sẽ ngay lập tức phát tín hiệu tạo cảm giác thư giãn và yên bình cho cơ thể.
Nến thơm được biết đến là một trong những phương pháp liệu pháp mùi hương (Aromatherapy) hiệu quả. Hương thơm từ nến có tác động đến não bộ và hệ thần kinh, giúp cơ thể bạn cảm thấy thư giãn và thoải mái. Ánh sáng lung linh nhẹ nhàng và đầy mê hoặc của ngọn nến tạo ra một môi trường êm dịu và thanh bình. Những hương thơm như hoa oải hương, dừa và cam bergamot là những loại hương có thể giúp bạn giải tỏa căng thẳng sau một ngày dài làm việc mệt mỏi. Trở về nhà với căn phòng tràn ngập hương thơm, bạn sẽ cảm nhận được sự thư thái và thư giãn ngay tức khắc.
Tăng sự tập trung

Khoảng chú ý, hay còn gọi là khoảng tập trung (attention span), là thời gian bạn có thể tập trung vào một chủ đề trước khi bị phân tâm. Chúng ta thường tập trung tốt hơn và lâu hơn khi chủ đề đó thu hút sự quan tâm của mình. Tuy nhiên, ngày nay do sự xuất hiện của các thiết bị smartphone, mạng xã hội và nội dung ngắn càng dễ khiến chúng ta dần giảm đi khả năng tập trung.
Liệu pháp mùi hương (aromatherapy), chẳng hạn như sử dụng nến thơm, không chỉ giúp chăm sóc tinh thần mà còn có tác dụng tăng cường trí não. Một số mùi hương như quế, hạnh nhân và bạc hà có thể ảnh hưởng đến não bộ và kích thích sự tập trung. Do đó, việc sử dụng nến thơm trong văn phòng hoặc không gian làm việc có thể cải thiện khả năng tập trung và năng suất của bạn.
Nến thơm mang các nốt hương hoa nhài, hoa hồng, bạc hà và ylang-ylang có thể làm giảm một số hoạt động alpha và beta nhất định trong não, giúp bạn có cảm giác “tỉnh giấc” khi làm việc hoặc học tập. Sử dụng nến thơm không chỉ là một cách để tạo ra không gian thư giãn và thoải mái mà còn là một phương pháp giúp bạn tập trung tốt hơn và duy trì năng suất cao trong công việc hàng ngày.
Khử mùi hiệu quả

Một trong những lợi ích tuyệt vời khác của nến thơm mà có lẽ ít ai nghĩ đến là khả năng khử mùi cho ngôi nhà. Nến thơm với các thành phần và công dụng đa dạng có thể giúp loại bỏ mùi khó chịu, mang lại hương thơm dễ chịu cho không gian sống. Tùy theo nhu cầu sử dụng của mỗi cá nhân và gia đình, bạn có thể lựa chọn dòng nến thơm phù hợp để khử mùi hiệu quả.
Các loại nến thơm với hương chanh, bạc hà, hoặc bạch đàn thường được ưa chuộng vì khả năng khử mùi mạnh mẽ. Chúng không chỉ che giấu mùi hôi mà còn trung hòa chúng để mang lại cảm giác tươi mới cho ngôi nhà. Đối với những không gian như nhà bếp, phòng tắm, hoặc những khu vực thường xuyên có mùi khó chịu, nến thơm là giải pháp lý tưởng. Bên cạnh đó, một số loại nến thơm chứa các thành phần tự nhiên cũng có khả năng xử lý ẩm mốc, giúp không gian sống của bạn không chỉ thơm tho mà còn sạch sẽ hơn.
Sử dụng nến thơm không chỉ giúp khử mùi mà còn mang lại cảm giác thư giãn và thoải mái sau một ngày dài. Việc đốt một ngọn nến thơm trong phòng khách, phòng ngủ hay phòng tắm có thể giúp cho căn phòng của bạn trở nên ấm áp hơn.
Các lưu ý khi sử dụng nến thơm
- Chọn nến chất lượng cao: nên chọn nến làm từ sáp tự nhiên như sáp ong hoặc sáp đậu nành, tránh các loại nến làm từ sáp paraffin vì nếu tiếp xúc lâu dài với khói nến parafin có thể gây ra ô nhiễm không khí và ảnh hưởng đến sức khỏe.
- Đặt nến ở nơi an toàn: đặt nến ở bề mặt phẳng, chắc chắn và tránh xa các vật dễ cháy như rèm cửa, giấy và vải. Không bao giờ để nến cháy mà không có sự giám sát và để đảm bảo an toàn, hãy đặt nến ở nơi trẻ em và thú cưng không thể chạm tới.
- Cắt tim nến trước khi đốt: trước khi đốt nến, cắt tim nến xuống còn khoảng 0,5 – 0,7 cm để ngọn lửa không quá lớn và không gây khói đen.
- Thời gian đốt nến: không nên đốt nến quá 4 giờ liên tục để tránh quá nhiệt và gây cháy. Hãy tắt nến khi bạn rời khỏi phòng hoặc đi ngủ.
- Bảo quản nến đúng cách: giữ nến ở nơi khô ráo, mát mẻ và tránh ánh nắng trực tiếp để nến không bị chảy hoặc biến dạng.
- Dùng nắp đậy khi tắt nến: sử dụng nắp đậy hoặc dụng cụ tắt nến để tránh tạo khói.
- Cẩn thận với dị ứng: Những người có cơ địa dị ứng hoặc mắc các bệnh hô hấp mãn tính như hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), không nên sử dụng nến thơm. Việc đốt nến thơm có thể khiến tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.